Vâng, ai cũng có thể trả lời câu hỏi trên đây, với nhiều góc độ khác nhau.
Hôm nay, 05-01-2009, tôi vừa vào trang chủ của website GIAOVIEN.NET thấy ngay một tiêu đề "Điều gì tạo nên một giáo viên giỏi ?" (thuộc một trong những bài viết mới nhất và nổi bật nhất của website này). Hứng thú đọc liền, đọc hết bài và những lời bình kèm theo, tôi càng bị cuốn hút.
Nhiều ý kiến trong đó khiến tôi không chỉ thấm thía, còn xúc động vì các tác giả đã nói lên những ý nghĩ không chỉ khơi dậy từ khối óc, còn phát tiết từ con tim. Trong đó, tôi thích nhất, cảm kích nhất bởi ý kiến của tác giả Fatoumata (Chad), rằng "Để trở thành một giáo viên giỏi, bạn không chỉ dạy học trò mà còn phải biết học từ chúng".
Với tôi, đó là một ý tưởng sáng giá - ý tưởng vàng - được tác giả biểu đạt súc tích, giản dị mà vô cùng thâm thúy. Nó phác họa hình ảnh cao đẹp về tấm lòng và trí khôn của một người THẦY thực sự giỏi về nhận thức, tốt về tâm hồn.
Tự thấy rằng, là một nhà giáo, tôi sẽ rất thiếu sót nếu bỏ qua diễn đàn này và thờ ơ với những ý tưởng mà các bạn đã sẻ chia. Vậy xin có đôi lời góp thêm xung quanh vấn đề đó.
Qua thực tế quãng đời 40-50 năm dạy học của nhiều bậc thầy mà tôi đã được thụ giáo, tôi rút tỉa được vài điều sau đây :
1. Khi giảng bài, người thầy giỏi không tự biến mình thành cái loa phát thanh của sách giáo khoa. Trái lại, họ là người làm "xanh" những trang giáo trình bằng các "cây đời" - minh họa sống động bằng các hình tượng thực tế. Họ làm phong phú những gì ngoài trang sách. Họ đi vào những chiều sâu mà trang sách không nói tới hoặc chỉ nói sơ sài. Họ cũng khêu gợi để học trò biết lật ngược vấn đề và biện luận phải trái.
2. Khi giáo huấn, người thầy giỏi không phải là người "đứng trên đầu" của học trò. Họ không tự coi mình là một tháp ngà trí tuệ hay một đỉnh cao nhận thức. Trái lại, họ luôn coi trọng chủ kiến của học trò và khích lệ trò tìm luận cứ để bảo vệ chủ kiến. Đồng thời, họ còn biết "ghé vai" để làm điểm tựa cho trò bước lên đài nhận thức, làm "bà đỡ" cho trò sản sinh những ý tưởng đặc sắc và làm nên những kết quả sáng tạo.
3. Khi giao tiếp ở trên lớp và cả ngoài đời, người thầy giỏi vừa là người thầy tốt luôn đặt sự tôn trọng nhân cách của học trò lên hàng đầu. Trước những sơ sót (thậm chí sai lầm tệ hại) của học trò, họ không bao giờ dùng lời lẽ xúc phạm hoặc thái độ khinh rẽ. Trái lại, họ luôn lấy những gương sáng của học trò ngoan để thuyết phục học trò chưa ngoan, cũng thầm lặng lấy nhân cách của chính mình để cảm hóa học trò. Nhiều bậc thầy tự nhủ lòng với quan niệm : Không có học trò kém, chỉ có người thầy dở.
oOo
Như một lời kết, tự tôi rút ra ba bài học sau đây từ những người Thầy vĩ đại trên giảng đường cũng như trong cuộc sống thường nhật. Đó cũng là ba phẩm chất nổi bật của các THẦY GIÁO GIỎI :
Một là, họ biết tự học hỏi thường xuyên.
Hai là, họ biết tự sáng tạo không ngừng.
Ba là, họ biết tự điều chỉnh kịp thời những sai sót về cách giảng dạy cũng như cách ứng xử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét